SA MẠC YÊU THƯƠNG
Santiago, chàng trai chăn cừu trong “Nhà Giả
Kim” (Paulo Coelho) đã truyền nguồn cảm hứng cùng với những triết lý sống “huyền
bí” đến hàng triệu triệu độc giả. Còn Fatima? Đó là một cô gái, tác giả không
miêu tả nhiều về cô: “Một cô gái không mặc màu đen, vác trên vai một bình bằng
đất nung. Cô cũng đeo khăn choàng nhưng để hở mặt” và chỉ xuất hiện đâu đó
trong một vài trang sách giống hệt như những làn gió mát lành thổi qua sa mạc bỏng
rát.
Có thể không nhiều người để ý nhưng "cô
gái sa mạc" ấy đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Cô đặc biệt, đặc biệt ngay từ
cách cô nói về mình: "Em là một cô gái sa mạc và rất tự hào về điều
này". Cô tự hào về sa mạc, quê hương cô, nơi quanh năm chỉ cát và cát, nơi
ấy cô không nhớ quá khứ của mình, nơi cô sống trong những áng mây không đem lại
mưa, trong những con vật náu mình giữa các tảng đá và là nơi những người phụ nữ
mong mỏi chồng con họ trở về và cô chấp nhận điều này như nó vốn có.
Cô gái sa mạc ấy có một tình yêu thương...
KHÔNG SỞ HỮU. Nói một cách dễ hiểu thì Fatima yêu thương Santiago không điều kiện,
không lý do và cô biết anh chính là món quà mà sa mạc mang lại cho mình. Điều đặc
biệt ở đây đó là: dù rất yêu thương Santiago nhưng cô không tìm mọi cách để giữ
chàng chăn cừu ở bên cạnh. Cô không buộc chân Santiago vào ốc đảo nhỏ bé mà muốn
thấy anh “đi lại tự do như làn gió làm biến dạng các đồi cát, nhập vào trong những
áng mây, trong những con thú và trong làn nước giếng”, muốn anh đi tìm kho báu
của chính anh. Và bởi vậy, Fatima là hiện thân của tình yêu thương tự tại nhất
mà tôi từng biết.
Liệu có mấy ai kia muốn người thân yêu của mình
đi lại tự do như làn gió? Không thể nắm bắt như những đám mây? Bởi thế giới là thứ
không thể kiểm soát, vậy nên, chúng ta đã “chải chuốt” sự kiểm soát, kỳ vọng của
mình thành những lời nói, hành động dưới danh nghĩa “quan tâm”: đi đâu, với ai,
khi nào, làm gì, nên như thế này hoặc phải như thế kia mới tốt, vì sao, thế nào… và rồi khi không được như kỳ vọng thì mâu thuẫn,
giận dữ, buồn nản…. xảy ra, và đối phương ( vợ - chồng, con cái, người thân) thu mình lại, tìm
cách để tránh né, hay phòng ngự và cố tìm cho được những lý do an toàn nhất bảo
vệ bản thân. Những mối quan hệ bắt nguồn là yêu thương nay bỗng hóa thành đối
phó, kẻ kéo người buông, người trông đợi - kẻ hao mòn và mái nhà đôi khi lại trở
thành giá lạnh.
Yêu thương là khi tách rời đủ để đối phương dù
có mối quan hệ là gì thì họ cũng hoàn toàn có khả năng để tự lập, được lắng
nghe và tôn trọng và đi kèm với đó là những kỷ luật được giao ước để mỗi thành
viên vẫn đủ tự do, khám phá, đủ đáp ứng nhu cầu và cũng đủ trí tuệ yêu thương để
quay về.
Vẫn luôn có những mạch nước ngầm, luôn có những
giếng nước đầy dưỡng nuôi sự sống trên sa mạc bỏng cát.
NGHIÊM ĐẠT – TÌNH NGUYỆN VIÊN INNER SPACE
0 nhận xét :
Đăng nhận xét