Lần đầu tiên tham dự buổi hội thảo “Sức mạnh tha thứ và Cho qua” tại Inner Space và cũng là lần đầu tiên cho tôi những cảm nhận về thực sự về cuộc sống. Đó không chỉ là cuộc sống bên ngoài, không gian yên tĩnh, thoáng mát, trong lành với những con người nhẹ nhàng, tình cảm, nhiệt tình, đam mê với công việc, hết lòng vì cộng đồng. Đó còn là cuộc sống nội tâm, nơi con người lắng nghe, học hỏi, chia sẻ những tâm tư, tình cảm và học cách sống sao cho thư thái, an lạc và để có những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người! Xin chân thành cảm ơn Inner Space đã tạo ra những khoá học và những buổi chia sẻ tuyệt vời này, tổ chức Inner Space mang tính cộng đồng và nhân văn rất cao.
Diễn giả là ông Ramasamy Jothirajah, người Malaysia, ông là một nhà tâm lý, chuyên gia về con người và những suy nghĩ, nội tâm. Ông cũng từng trình bày trên nhiều quốc gia khác nhau: Malaysia, Anh, Úc, Việt Nam…và nhận được nhiều sự ủng hộ đồng tình cũng như đã làm thay đổi được nhiều suy nghĩ của mọi người.
Mở đầu cho buổi hội thảo là câu chuyện của ông vào tháng 10 năm trước. Khi ông gặp phải một cơn đau tim dữ dội. Ông đã phải tới bệnh viên để điều trị, ông rất kinh ngạc khi bác sỹ kết luận rằng bản thân không bị bệnh ở tim mà bị bệnh ở đầu. Ông vô cùng ngạc nhiên khi nghe bác sỹ nói có ai đó đang xâm nhập và ngự trị não bộ của ông, và ông đang vô cùng tức giận ai đó. Rồi ông được mời nói chuyện với một vị chuyên gia tâm lý, khi đó ông còn nói rằng: “Tôi bị tim chứ không bị thần kinh”. Tuy nhiên không còn cách nào khác, ông đành phải chấp nhận nói chuyện với vị chuyên gia này mặc dù không được vui cho lắm. Ông đã nói vậy! Và kết quả, sau cuộc nói chuyện đó, ông hết đau tim, đồng thời cũng hết đau đầu. Lý do tại sao?
+ Qua phân tích ông đã thấy được vấn đề của mình và từ đó thấy được nguyên nhân của căn bệnh này. Đó là do vì quá tức giận một người mà làm cho ông phải suy nghĩ, dẫn tới suy nhược và gây ra đau tim.
+ Do bản thân ông quá cố chấp trong việc chấp nhận và bỏ qua cho người bạn này.
Sau đó ông đã thấy rằng lần vào viện này không phải là rủi ro của ông mà lại là một sự may mắn vì từ đó ông mới hiểu được giá trị cuộc sống, giá trị của con người, niềm hạnh phúc của mình: “Khi ta giận một người nào đó, đồng thời ta đang làm tổn hại bản thân mình”, “Khi trái tim tinh thần khoẻ, trái tim vật chất mới khoẻ được”
Một số lời khuyên của ông giành cho mọi người:
+ Khi chúng ta gặp phải một nỗi đau nào đó, nên tìm hiểu xem nó xuất phát từ đâu, tại sao lại gặp phải nỗi đau này. Điều này có nghĩa là phân tích nguyên do của nó, liệu đó có phải hoàn toàn do đối phương gây ra, hay do bản thân mình để có những biện pháp chỉnh sửa kịp thời.
+ Trong trường hợp đối phương có lỗi thì mình nên xem xét và hãy nhận lỗi về mình nếu như điều này nó làm cho cả hai có thể tốt đẹp trở lại. Nếu bản thân thực sự muốn giữ mối quan hệ này thì bản thân hãy chịu nỗi đau này. Quan điểm “vì bạn mình mình luôn sẵn sàng”.
+ Trao gửi nỗi đau vào một sức mạnh nào đó, sức mạnh của chúa, của thần và đặt niềm tin vào họ. Họ sẽ lấy đi những nỗi đau cho mình và mang nó đi xa hơn đồng thời sẽ mang về cho mình một niềm vui nào đó.
+ Thường xuyên xem lại xem có ai làm tổn thương đến mình. Nếu có thể thì thu dọn làm sạch suy nghĩ xấu về người đó hoặc có thể xoá hẳn suy nghĩ về người ta trong tâm trí của mình. Cố gắng giành khoảng 15 phút mỗi ngày để suy nghĩ và làm sạch những điều không vui trong đầu để bắt đầu một ngày mới hiệu quả, hoặc một giấc ngủ thật sâu, thật ngon. Ngồi thiền là biện pháp hữu hiệu này.
+ Bên cạnh việc kiểm tra suy nghĩ bản thân còn phải kiểm tra cảm xúc hàng ngày, vì cảm xúc sẽ chi phối lời nói. Nếu bản thân không chi phối được lời nói ra có thể sẽ gây ra một sự tiếc nuối cho mình.
+ Bản thân nên biết một điều rằng thực chất những kẻ thù của mình lại tạo ra những động lực cho mình, họ giúp mình hiểu ra và thay đổi bản thân nhiều hơn, chứ những người bạn thân lại không chỉ ra cho mình biết.
+ Không nên vội vã, nên kiên nhẫn, suy nghĩ kỹ càng và chuẩn bị cẩn thận trước khi nói ra một điều gì, nó sẽ cho thấy một sự chín chắn, có mục đích rõ ràng và nếu không nhận được sự chấp thuận thì đó cũng không phải lỗi do mình.
+ Một sự thật hiển nhiên là mình khó có thể thay đổi được người khác, nhưng thay đổi bản thân mình thì dễ hơn. Do đó khi bản thân mình thay đổi những tật xấu hàng ngày cũng sẽ gây ảnh hưởng đến người khác trong suy nghĩ và thay đổi. Bản thân không trực tiếp làm người ta thay đổi nhưng gián tiếp thì có thể.
+ Không nên nói những lời làm tổn thương người khác, tuy nhiên trong một số trường hợp nói lời tổn thương lại có hiệu quả tích cực. Khi bố mẹ dạy con, bên cạnh sự nhẹ nhàng cũng cần những lời nói dứt khoát để đe doạ, đó chính là việc sửa lỗi cho con cũng là một cách dạy con.
+ Để có được mối quan hệ hài hoà, đôi khi nên nói ra những điều không vừa ý, không nên tích trữ quá nhiều để rồi dẫn đến tình trạng đau tim. Nhưng đôi khi không cần thiết thì không nên nói ra.
+ Bỏ qua cho người khác không phải vì chúng ta yếu, chúng ta thất bại mà vì chúng ta là người vĩ đại, mạnh mẽ, đi tiên phong giải quyết vấn đề, chúng ta là người chủ động cho mối quan hệ tốt đẹp hơn.
+ Luôn nghĩ về bạn bè của mình với những điều tích cực, họ là một người tốt, đáng yêu. Thực tế, chúng ta làm bạn của nhau khi chúng ta nhìn thấy những điểm tốt của nhau, chúng ta muốn từ đó khắc phục được nhược điểm cho mình. Khi chúng ta thấy những điểm xấu của nhau thì dần dần cũng sẽ khiến mâu thuẫn xảy ra hoặc làm xa cách. Gửi những suy nghĩ tích cực tới đối phương và để thời gian làm lành và quay trở lại thời gian đầu tiên khi mới quen.
+ Đôi khi cái tôi làm cho mình tưởng như không được tôn trọng từ bạn bè. Hãy nhìn vào chính bản thân mình để lấy lòng tự trọng cho mình, đừng dựa vào cái tôi mà lấy lòng tự trọng vì cái tôi nhiều khi làm chúng ta tưởng rằng mình cao cả, mình là nhất, nhưng đó là sai lầm lớn. Hãy ăn những món ngon, ăn một cách tích cực, sống trong môi trường trong lành (phải hiểu theo cả 2 nghĩa) => Nuôi dưỡng bản thân để làm chủ chính mình.
+ Cuối cùng là hãy truyền sức mạnh cho suy nghĩ của mình, luôn là một người kiên định và khéo léo, không nên vì nghe ai đó phán xét bạn bè của mình mà cho rằng họ xấu. Ngoài ra sự trung thực cũng giúp họ mau chóng thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Học viên hỏi: Tôi có một người bạn, cô ấy đã ngoại tình, và tôi không thể chấp nhận được hành động này. Tôi đã tham gia khuyên bảo, tuy nhiên bị cho rằng xen vào chuyện của gia đình họ. Từ đó chúng tôi không còn là bạn thân của nhau nữa. Cho tôi xin một lời khuyên?
Khách Mời trả lời: Mỗi người có một cuộc sống riêng cho mình, mình không thể thay đổi được lựa chọn và quyết định cho người khác. Sự khuyên bảo đã là một điều tốt, cũng đã là một sự giúp đỡ nhưng họ không nhận thì đành phải chấp nhận với họ. Miễn sao họ cảm thấy vui là được rồi.
Học viên hỏi: Nếu người đó là người thân của mình thì sao?
Khách Mời trả lời: Cũng như trên, họ có sự lựa chọn cho riêng họ, bản thân mình muốn níu kéo cũng không được. Yêu thương khác với ràng buộc, mình không thể trói buộc người ta để rồi lại là hành động tự trói buộc mình. Hãy xem xét và cùng chịu trách nhiệm với những gì đã xảy ra, bản thân mình đã thực sự tốt chưa mà có thể trách người ta? Hãy sống tốt với trách nhiệm của mình. Xem xét cái gì cần được ưu tiên trước, cái gì là cần thiết và tốt nhất thì thực hiện nó trước. Trong trường hợp này nếu là một gia đình thì việc nuôi con cái là cần thiết hơn cả. Cái gì qua thì cứ cho nó qua, giữ lại mình cũng tự làm mình khổ, và thời gian sẽ hàn gắn mọi chuyện.
Chỉ có suy nghĩ tích cực và cách sống tích cực mới tạo ra giá trị tích cực (chia sẻ của một học viên).
Buổi hội thảo mang lại nhiều cảm xúc, nhiều nỗi niềm được gợi lại khi bản thân cũng đang có một rắc rối với một người bạn thân. Tuy nhiên bản thân tôi đã cảm thấy thoải mái hơn, tôi không còn trách móc bạn ấy. Đúng vậy, yêu thương khác với ràng buộc, có điều này xảy ra thì phải xem lại chính bản thân mình nữa, không nên đổ lỗi hết cho họ. Tôi đã hiểu được giá trị đích thực của sự tha thứ và cho qua, tôi biết mình phải làm gì và nên làm gì. Cảm ơn buổi chia sẻ của diễn giả đáng mến!
Cuối cùng, ngoài việc thay đổi một số trong nội tâm, suy nghĩ, bản thân tôi còn có một cảm xúc khác nữa, đó là sự ngưỡng mộ từ chị Vân, Phó giám đốc trung tâm Giáo Dục Quốc Tế UNESCO, Giám đốc Chương Trình Inner Space, với một vai trò là phiên dịch viên, MC trong ngày hôm nay. Qua đó tôi lại càng thấy thích thú với việc học tiếng anh hơn để có thể giao tiếp được với mọi người như chị.
Bạn có thể xem lịch học hàng tháng của Inner Space TẠI ĐÂY
Xin chào. có thể cho em xin số điện thoại liên hệ được không ạ? Em cảm ơn!
Trả lờiXóaChào Thanh Hồng,
XóaSố điện thoại của Trung Tâm Inner Space 04 3537 6510