“Những giá trị sống dành cho trẻ từ 8 đến 14 tuổi” (NXB Trẻ) mang tính suy ngẫm và giàu tính hình tượng, nhằm khơi dậy tính sáng tạo và tiềm năng sẵn có ở mỗi học sinh. Các hoạt động giao tiếp giúp các em biết cách ứng xử với người khác sao cho ôn hòa; các hoạt động nghệ thuật như ca hát, nhảy múa giúp tinh thần các em thêm phấn chấn và hứng khởi; trò chơi kích thích tư duy tăng thêm phần sinh động, vui vẻ cho cuộc sống của học sinh. Thêm vào đó, những cuộc thảo luận nhóm sau mỗi hoạt động còn giúp học sinh khám phá mức độ ảnh hưởng của những kiểu thái độ và hành vi khác nhau.
Ngoài ra, sách cũng cung cấp các hoạt động khác nhằm tăng cường nhận thức về trách nhiệm cá nhân về xã hội, về công bằng xã hội. Việc phát triển lòng tự trọng và đức khoan dung cũng được giới thiệu thông qua các bài tập trong sách này. Cuốn sách đưa ra các đề tài và bộ câu hỏi căn bản giúp thảo luận về
các giá trị sống.
Dựa trên tinh thần sẵn sàng lắng nghe và thừa nhận tất cả các câu trả lời của học sinh, ngược lại với thói quen theo kiểu trả lời “Đúng” – “Sai” trong lớp học, cuốn sách hướng dẫn giáo viên cách khơi gợi sự bày tỏ và cảm nhận của học sinh về một khái niệm nào đó một cách chân thực nhất.
Đôi khi có những học sinh cố tình nhận rằng mình không tốt hay ngưỡng mộ một nhân cách phản diện. Nếu điều này xảy ra trong một cuộc thảo luận, giáo viên có thể hỏi : “Tại sao em lại ngưỡng một người đó?”, “Em nghĩ người đó sẽ muốn điều gì xảy ra?” hay “Em rút ra bài học giá trị nào cho mình từ người mà em ngưỡng mộ?” Đây là dạng câu hỏi gợi mở, tập trung gần hơn vào việc tìm hiểu ý định ban đầu của các em.
Luôn luôn có một giá trị và phẩm chất tích cực nằm sau ý định ban đầu của các em khi các em thần tượng hay ngưỡng mộ một ai đó. Khi đã lý giải được ngọn ngành vấn đề, giáo viên có thể quả quyết “Vì thế mà em ngưỡng mộ…” rồi ghi lại các giá trị tích cực. Lời kết luận này được hiểu rằng mọi người ai cũng có lúc phạm sai lầm, nhưng những việc họ làm xuất phát từ động cơ tốt.
Mục đích của cách tiếp cận này là đưa học sinh đó trở về với những giá trị tích cực hay mục đích tích cực. Học sinh có thể thay đổi quan điểm của mình về bản thân rằng mình không phải là một “người xấu”, nếu các em biết nhìn nhận một giá trị tích cực hoặc quan tâm đến một điều tốt nào đó. Hãy kiên trì khơi gợi những giá trị tốt đẹp trong các em và học sinh có thể bắt đầu nhìn bản thân mình theo hướng khác tích cực hơn.
Thứ tự các bài học: Hòa bình, Tôn trọng, Yêu thương, Trách nhiệm, Hạnh phúc, Khoan dung, Hợp tác, Trung thực, Khiêm tốn, Giản dị và Đoàn kết.
Bạn có thể ghé thăm thư viện dành cho học viên tại Chương Trình Inner Space để thư giãn và đọc cuốn sách này.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét