Hôm nay
chúng ta sẽ thử làm một điều thách thức là thử ghép hai từ này lại với nhau và
xem xem chúng có thực sự kết hợp được không. Trong 10 năm gần đây, mối quan tâm
về chủ đề lãnh đạo đã tăng lên đáng kể, bởi vì trong giới các tập đoàn, công
ty, chúng ta đã thử tìm cách khám phá xem làm cách nào để mọi người có thể làm
việc hiệu quả hơn, tích cực hơn, nhưng chưa có gì thực sự hiệu quả và vì
thế, ta lại càng đi sâu tìm hiểu hơn nữa
để xem làm cách nào ta có thể đến gần trái tim con người – trái tim của ý thức,
nơi khởi phát của nguồn cảm hứng, sức sáng tạo và lòng nhiệt thành. Và ba điều
này hầu như còn thiếu vắng trong hầu hết các công ty, tổ chức.
Khi ta
nghĩ về lãnh đạo, ta thường nghĩ về nguồn cảm hứng. Khi tôi hỏi những nhà quản
lí rằng ai được coi là những nhà lãnh đạo vĩ đại, thì có ba nhân vật thường
xuyên xuất hiện - Nelson Mandela, Mohandas Gandhi và Mother Teresa. Nếu bạn
nghĩ về ba nhân vật này, bạn sẽ thấy rằng trong cuộc đời của họ, họ đã truyền
cảm hứng cho hàng triệu người, không phải từ đầu óc vĩ đại của họ, mà là từ
trái tim. Và mỗi một người lại truyền cảm hứng và làm xúc động lòng người bằng
những phẩm chất khác nhau. Với Mandela, một điều khiến ông trở thành nhà lãnh
đạo tầm cỡ thế giới là ông đã tha thứ cho những người đã lấy đi của ông tất cả
mọi thứ trên đời hồi ông 27 tuổi. Ông đã có thể quay lại với những người đã
ruồng bỏ mình và tha thứ cho họ. Tha thứ là yêu thương trong hành động, là
nguồn năng lượng của trái tim. Gandhi đi lại, nói năng và hít thở cùng một điều
trong cuộc đời mình và để lại một kí ức về điều được gọi là ‘phi bạo lực’. Mẹ Teresa
cho đến lúc rời xa cõi đời đã xây dựng được một mạng lưới rộng khắp trên khắp
thế giới, để lại một huyền thoại về tình thương. Tất cả những phẩm chất minh
họa chân dung các nhà lãnh đạo này – tha thứ, phi bạo lực và tình thương – đều
nằm trong trái tim con người.
Đây cũng
chính là điểm khác biệt giữa một nhà quản lí và một nhà lãnh đạo. Quản lí là
một vị trí, lãnh đạo là một thái độ. Bạn sẽ chỉ xuất hiện như một nhà Lãnh đạo
trong lòng mọi người khi họ quyết định rằng sẽ đi theo bạn.
Sai lầm
mà nhiều nhà quản lí mắc phải là “Tôi là nhà quản lí và vì thế các anh phải
nghe lời tôi.” Họ tin vào địa vị, nhưng quyền lực, sức mạnh không đến từ địa
vị, mà đến từ niềm đam mê… và khi nói tới ‘đam mê’, tôi không có ý rằng ta sẽ
có được một sớm một chiều. Đôi khi ta lẫn lộn đam mê với cảm xúc hay những điều
tương tự. Niềm đam mê đích thực là sự nhiệt tình đến từ trái tim con người.
Những
nhà khoa học đã làm thí nghiệm với một chú cá bọt biển. Họ quan sát thấy rằng
nếu bạn lọc nó vào một sàng, nó sẽ tan thành hàng ngàn mảnh, nhưng sau đó,
chúng lại tụ lại như cũ. Họ quan sát thấy có một nguồn năng lượng tinh tế nào
đó đằng sau hiện tượng này và gọi đó là ‘kẻ thu hút lạ mặt’.
Điều y
hệt như vậy xảy ra trong cơ chế của tổ chức. Bạn có một người trong nhóm có
chức danh nhà quản lí hay lãnh đạo, nhưng trong cơ chế vận hành của nhóm, có
thể lại là một người khác sẽ là người mọi người bị thu hút về đó, không phải vì
họ biết và làm, mà là vì bản chất con người của họ, vì nhân cách của họ. Điều
này trở nên thật quan trọng trong bối cảnh này, bởi tất cả chúng ta đều tỏa ra
năng lượng. Chính chất lượng nguồn năng lượng sẽ thu hút mọi người đến với bạn
và đây chính cơ chế năng lượng tinh tế của việc lãnh đạo.
Có ba
phẩm chất làm nên nghệ thuật lãnh đạo – đó là tầm nhìn, quyết định và tính
chính xác. Tầm nhìn là biết rõ ràng ta đang đi về đâu, quyết định đưa ra chất lượng
cao và có tính chính xác, chuẩn mực trong tương tác với mọi người. Đảm bảo sao cho
đường lối rõ ràng, các quyết định về chất lượng cao và có tính chính xác,
chuẩn mực trong tương tác với mọi người chính là nhiệm vụ lãnh đạo.
Chỉ có
duy nhất một cách để dẫn dắt đó là dẫn dắt bằng cách trở thành tấm gương. Mỗi
chúng ta đều là một nhà lãnh đạo bởi luôn luôn có ai đó quan sát ta, nếu không
phải ở công sở, thì là ở nhà, trên đường, trên xe ô tô,.. luôn luôn có người
quan sát ta… và sẵn sàng đi theo những ví dụ ta đặt ra. Có ba cấp độ ý thức mà
ta cần tới.
Thứ nhất là ý thức về bản thân – ý thức về chính thái độ, suy nghĩ
của mình. Ta rất ý thức về những gì diễn ra quanh ta – ta biết thông qua báo
chí, ti vi,.. Thế nhưng, ý thức về bản thân mới thực sự là nền tảng của lãnh
đạo.
Thứ hai
là ý thức về mọi người… những mối bận tâm, thái độ của họ là gì. Phải chăng ta
quá bận bịu với việc này việc nọ hay ta có dành thời gian để ý tới điều này?
Giờ đây ta có cả một thế hệ mới lớn, những người có mối quan hệ chủ yếu với
công nghệ hơn là với con người. Vậy liệu ta có dành thời gian cho con người, để
hiểu họ hay không?
Thứ ba
là ý thức về những gì diễn ra quanh ta trong cuộc đời này. Tất cả mọi thứ đều
liên hệ với nhau. Ta cắt rừng ở nơi này, mưa đổ xuống ở nơi khác, có tro núi
lửa phát ra từ một nơi, giao thông đường không bị gián đoạn ở khắp nơi.
Ba dạng
ý thức này sẽ quyết định tầm nhìn, quyết định và quan hệ của ta với mọi người.
Mỗi buổi sáng, ta ngồi và phát triển ý thức này và xây dựng một qui trình hoàn
chỉnh thông qua thiền định và rồi ta có thể thực hiện được chất lượng năng
lượng đó trong suốt cả ngày. Điều này đòi hỏi một kiểu trí tuệ khác. Có trí
thông minh lí trí, kiểu thông minh này thì ai cũng biết. Ta cũng biết về trí
thông minh cảm xúc – khả năng quản lí cảm xúc của bản thân. Nhưng lại có rất ít
người biết về trí thông minh tinh thần.
Đó chính là khả năng hợp nhất trong ý thức của ta, những gì diễn ra quanh ta và
rằng mọi thứ liên quan đến nhau như thế nào.
Những
ai có chỉ số thông minh tinh thần
cao sẽ rất rõ ràng về hai điều - mục đích sống, chẳng hạn như họ biết rõ họ
sống trên đời này để làm gì, và họ sẽ không bao giờ kinh ngạc về bất cứ thứ gì,
không bao giờ bị sốc bất kể chuyện gì xảy ra quanh mình. Họ hoàn toàn vững
vàng, không gì lay chuyển nổi. Nếu ta bị sốc hay kinh ngạc, ta sẽ không thể nào
hồi đáp lại với tình huống được mà thay vào đó sẽ phản ứng trước tình huống.
Khi ta phản ứng, ta sẽ không kiểm soát được. Ta mất đi ý thức về bản thân mình,
sự nhạy bén và khả năng tự kiểm soát. Ta sẽ có thể đáp lại khi ta vững vàng, ổn
định. Chẳng phải đó là một năng lực hữu dụng đáng có trong đời ư?
Có lẽ
điều quan trọng nhất của trí thông minh chính là ‘trực giác’. Trực giác chính
là điều kết nối mọi thứ với nhau. Trực giác nghĩa là bạn kết nối với trái tim
của bạn. Bạn có bao giờ nói điều mà bạn không biết là mình biết hay không? Tất
cả chúng ta đều mang theo những trí tuệ thông thái, nhưng để kết nối được với
trí tuệ đó, tôi phải học cách trở nên thật yên lặng, bởi ta không ngừng suy
nghĩ và vì thế không thể nghe thấy giọng nói đó được.
Tôi mời
các bạn hãy dọn sạch tâm trí mình và xem xem bạn có thể nghe thấy tiếng nói
trái tim không….
Mike George
Inner Space chuyển ngữ
CÓ PHẢI THÀNH CÔNG LÀ ‘NHIỀU THÊM NỮA’? GIẢI PHẪU MỘT CUỘC TRANH CÃI |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét