Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

NGHỆ THUẬT LAU CỬA SỔ - Charlie Hogg


nghe-thuat-lau-cua-so-charles-hogg

“Con phố nào cũng có bà Phán xét và bà Trung thực. Ngày nọ, bà Trung thực quyết định ghé thăm nhà bà Phán xét. Bà Trung thực vừa tới nơi đã nghe bà Phán xét phàn nàn về hàng xóm mới của bà, một gia đình người nước ngoài.

“Bà ta đúng là một bà nội trợ tồi”, bà Phán xét kêu lên, “Bà phải nhìn xem lũ trẻ nhà ấy bẩn thế nào, cả căn nhà bên ấy nữa. Thật khó chịu khi phải ở cạnh một gia đình như thế. Ấy bà nhìn chỗ quần áo bà ấy phơi trên dây kia xem, chúng còn nguyên mấy vệt đen dơ bẩn.”

Bà Trung thực liền đến cạnh cửa sổ nhìn xem “Ồ bạn thân yêu, thực ra chỗ quần áo ấy sạch đấy chứ. Những vệt đen là ở trên cửa sổ nhà bạn đây này”

Giống như bà Phán xét, nhiều lúc tôi cũng bị đánh lừa bởi cái cửa sổ bẩn do phóng chiếu những quan niệm hay phán xét sai lầm của mình ra thế giới bên ngoài mà cứ tin rằng đó là sự thực. Những hạt giống của những tàng thức sai lầm làm thay đổi màu sắc mọi thứ tôi nhìn, và rồi khi tôi tương tác với thế giới xung quanh, những tàng thức ấy lại tăng lên. Chỉ khi quí bà Trung thực ghé thăm, tôi mới có cơ hội nhìn kỹ cửa sổ của mình. Khi bắt đầu lau phía ngoài cửa sổ, tôi mới phát hiện ra một điều thú vị. Bên trong khung cửa ấy cũng bẩn. Bên ngoài bị bẩn bởi những tác động bên ngoài, như bầu không khí, môi trường, những ý kiến và thái độ của người khác. Bên trong bị bẩn với những bụi bặm từ quá khứ, những điều tôi đã trải qua, những giả định thiếu cơ sở đã vô tình làm biến màu và phủ bụi tầm nhìn của tôi.

Chỉ cần dừng lại 1 phút thôi, để bạn ngẫm nghĩ về những lời phán xét, những giả định bên trong bạn và trong tất cả chúng ta. Ta nhận ra chúng là thủ phạm khiến ta lo lắng, sợ hãi và cô lập mình hơn. Tuy vậy, ai trong chúng ta cũng đều có tiếng nói phán xét và phê bình này. Ai cũng bị thử thách như vậy cả.



 Để học cách nhìn vào điều đặc biệt của người khác, ta cần áp dụng quy tắc đầu tiên về tinh thần – đó là “Tôi là người chịu trách nhiệm đối với trải nghiệm của mình.”

Dù ta nói ra lời hay thì thầm trong đầu những lời phán xét thì người khác vẫn cảm nhận được chúng. Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ. Thử nhớ lại cảm giác được tha thứ hay thấu hiểu, nhớ lại xem bạn đã mong ước được đối xử như thế nào khi bạn phạm sai lầm? Nhớ lại khi bạn bỏ qua cho ai đó và nhìn họ với một nhận thức mới. Hãy hình dung cảm giác được chữa lành trong những mối quan hệ khi ta khiêm nhường và bỏ qua những lời phán xét.

Như trường hợp của bà tôi. Bà tôi đã mất cách đây vài năm ở tuổi 94. Trong suốt cuộc đời mình, bà tôi chỉ phải nằm viện đúng 1 ngày để phẫu thuật bệnh đục thuỷ tinh thể vào năm 92 tuổi. Bà có một gia đình ấm cúng và vui vẻ. Bà luôn được tất cả mọi người yêu mến. Lần cuối đến thăm bà, tôi nhận ra bí quyết của cuộc đời hạnh phúc và mãn nguyện của bà chính là nhờ khả năng luôn nhìn vào ưu điểm của người khác và nhờ đó, người khác cũng đáp lại bà với cái nhìn như vậy. Cuộc đời của trao và nhận tình yêu thương của bà đã được tạo nên một cách tự nhiên như thế. Dường như chúng ta đang trả một cái giá quá đắt cho sự phán xét và chỉ trích của mình, vì cùng lúc đó, ta đang tự đánh mất tình yêu thương quí giá từ trái tim mọi người.

Thế khi nhìn vào những ưu điểm và những điều đặc biệt ở người khác, ta cảm thấy thế nào? Tự nhiên ta cảm thấy tốt hơn về mình. Còn khi nhìn vào điểm đặc biệt của bản thân? Chắc chắn là còn tốt hơn nữa. Nhưng việc nhìn ra điều đặc biệt ở bản thân mình có dễ không nhỉ? Nhiều lần trong những buổi workshop, học viên được yêu cầu liệt kê ra những phẩm chất tích cực và những điều tiêu cực họ muốn thay đổi. Danh sách những điều tiêu cực thường được viết ra rất nhanh trong khi nhiều học viên thấy khó viết ra những điều tích cực, dù chỉ vài điểm. Liệu tôi có dám nói rằng tôi hiểu rõ chính mình không? Thường những điều ta viết ra là những kỹ năng hay khả năng, vài thành quả ta làm được, hay những điều ta đã học thay vì những tính cách độc đáo ở chính mình.


Vậy làm sao để khám phá những điều đặc biệt ở trong tôi?
Hãy thử thí nghiệm. Bạn hãy nhắm mắt lại và nhẹ nhàng để mình vượt ra khỏi nhận thức về cơ thể. Hãy quan sát mình bằng ánh mắt của tâm trí. Như một người quan sát tách rời đang nhìn vào người ngồi bên dưới. Bạn thấy những gì? Đâu là điểm đặc biệt của bạn? Hãy nghĩ về những động cơ sâu bên trong bạn, bạn đối xử với người khác như thế nào, bạn coi trọng điều gì nhất. Bản danh sách những điều đặc biệt ở bạn sẽ dài dần ra. Đừng viết quá ngắn gọn. Hãy phát triển chúng để khơi gợi những điều đặc biệt khác đang ẩn chứa sâu bên trong bạn.

Trong quá trình đó có thể xuất hiện một vài điều thú vị. Có thể là chút cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ “Tôi có đang tự lừa dối mình không? Tôi có đang tự ca ngợi mình không?” Như thế, ta đã tạo ra những rào chắn bên trong khiến ta không thể cảm nhận được sự trân trọng chính mình

Linh cảm mách bảo tôi rằng khi tôi không nhận ra điều đặc biệt ở mình, hầu như việc nhận ra điều đặc biệt ở người khác là không thể. Những rào chắn ngay bên trong tâm trí đã được tạo nên bởi sự thiếu trân trọng chính mình. Những rào chắn ấy nói với tôi rằng tôi chẳng xứng đáng hay chắng có giá trị gì. Phá bỏ những hàng rào ấy là điều cốt yếu của quá trình phát triển bản thân. Chỉ khi ta chịu giải thoát mình khỏi sự tê liệt bên trong này, những điều tốt đẹp vốn có mới có thể hiển lộ. Không chỉ sức mạnh của tôi sẽ được bộc lộ, mà cái nhìn của tôi về những nhược điểm hay yếu kém sẽ có lòng trắc ẩn và yêu thương.


Tôi được giải thoát khỏi nhà tù tuyệt vọng. Tôi có thể thay đổi!
Khi tôi thiếu tình yêu thương và sự tôn trọng với bản thân, nó sẽ phát tán ra ngoài dưới triệu chứng của căn bệnh cao ngạo – cố chấp với những yếu kém và sai lầm ở người khác. Khi tôi nhìn vào yếu kém của người khác, tôi cảm thấy lòng tự trọng của mình được củng cố. Một anh bạn của tôi là phóng viên cho một kênh truyền hình chính ở Sydney từng thắc mắc sao nhiều người phải vội vàng về nhà để xem tin tức mỗi tối khi mà hầu hết những thông tin ấy đều tiêu cực và bi kịch. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi ta ngồi thoải mái trong nhà và xem cảnh người khác đau khổ, ta thấy nỗi đau của mình không quá tệ. Nó là vô thức, nhưng đó là một cách kỳ cục để cảm thấy tốt hơn về mình.

Hàng năm có bao nhiêu thủ thuật, triết lý mới để khuyến khích những nhà lãnh đạo, quản lý cải tiến công việc của họ? Tôi cho rằng công cụ lãnh đạo mạnh mẽ nhất vẫn là tầm nhìn tích cực đối với những người làm việc chung với mình, nghĩa là có thái độ tin cậy, tôn trọng và nhận ra những điểm đặc biệt ở đồng nghiệp. Nếu người ta nhận được thông điệp kép – nghĩa là cái họ nghe và cái họ cảm nhận được không giống nhau, thì họ sẽ luôn tin vào điều họ cảm nhận được. Nói cách khác, ta không thể che giấu thái độ thực của mình. Nếu ta có ý phê phán, chỉ trích những người ta sống cùng hoặc làm việc cùng, dù ta có nói những lời động viên, khuyến khích, những lời hay ý đẹp, họ vẫn sẽ không bao giờ tin cậy ta hoàn toàn. Còn nếu ta luôn nhìn vào những điểm tốt, những điều tích cực ở người khác, tự khắc nó đã truyền cho họ sức mạnh.


Để học cách nhìn vào điều đặc biệt của người khác, ta cần áp dụng quy tắc đầu tiên về tinh thần.
Để học cách nhìn vào điều đặc biệt của người khác, ta cần áp dụng quy tắc đầu tiên về tinh thần – đó là “Tôi là người chịu trách nhiệm đối với trải nghiệm của mình”. Nếu ta nhìn vào điều tiêu cực, tự ta cảm thấy không vui; còn khi nhìn vào điều tích cực, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc. 


Điều đó hoàn toàn do ta lựa chọn. Khi ta biện minh cho những cảm xúc của mình, ta chỉ thêm quen thói hơn trong Kỹ xảo Bào chữa, đó là kỹ năng ấy ta đã luyện thành lâu nay để chạy trốn khỏi lương tâm mình. Ngay cả truyền thông cũng giúp gia tăng kỹ năng này bằng việc tuyên truyền khả năng phân tích yếu kém sai sót của người khác như một biểu hiện của trí thông minh. 

Khi ta chỉ tập trung phân tích một phần nhỏ là yếu kém, ta tự cắt vụn tính cách một người thành những mảnh riêng lẻ. Ta tự học thủ thuật này và rồi lại truyền nó cho người khác. Và điều oái ăm nhất chính là, sau đó, chính ta lại trở thành mục tiêu. Và ta chịu tổn thương sâu sắc vì chúng. Ta đã quên mất qui luật Nhân – Quả. Ta gieo thái độ nào, ta gặt kết quả ấy. Điều này chứng minh tầm quan trọng của việc cần nhìn vào những điều đặc biệt ở bản thân và ở người khác.

Thường thì việc nhận ra những điều đặc biệt ở những người ta thân thiết nhất lại là khó nhất: người thân trong gia đình, bạn bè thân, đồng nghiệp. Một số bài tập sau có thể giúp ta cải thiện NGHỆ THUẬT LAU CỬA SỔ.


Bài tập 1- Kê khai những phẩm chất tốt đẹp.

Trong cuốn sổ nhật ký, tôi viết xuống tên của những người thân thiết nhất. Ở nơi làm hay ở nhà, khi để ý thấy một điều đặc biệt nào đó hay khi tôi học được gì đó từ ai, tôi ghi chú vào cuốn sổ nhật ký của mình. Nó giống như bản kê khai những phẩm chất tốt đẹp và nó có thể giúp tôi sau đó. Khi tôi thấy mình bị ảnh hưởng từ tính tiêu cực của họ, tôi lại tham khảo cuốn sổ nhật ký của mình và điều chỉnh mình cho quân bình. 

Khi tôi được nhắc nhở về những điều tốt đẹp ở người khác, tôi sẽ ngừng tiêu thụ những yếu kém hay sai lầm tạm thời của họ.

Bài tập 2- Hành động, không phản ứng.

Nếu ai đó có cách hành xử khiến tôi buồn hoặc cảm thấy phiền toái, tôi xem họ là một người thầy của mình. Tại sao vậy? Vì việc ở bên họ sẽ làm tôi thay đổi. Họ làm tôi nhận ra những phản ứng tiêu cực của mình. Họ dạy tôi cách hành động, mà không phản ứng.


Bài tập 3- Biên tập lại băng ghi Ký ức.

Trước khi đi ngủ, tôi tua lại mọi hoạt động trong ngày trên màn hình tâm trí. Nếu tôi vẫn còn lưu lại những cảm giác tiêu cực về ai đó, tôi giải tỏa chúng bằng cách tha thứ cho họ từ trong tim mình. Không những tôi xóa được những cảm xúc tiêu cực, mà còn thay nó bằng một điều gì đó tích cực, tôi nhớ đến một điều đặc biệt ở họ. Điều này sẽ lưu lại trong tiềm thức của tôi. Sau đó tôi đi ngủ và thức dậy với sự nhẹ nhàng hơn.


Bài tập 4- Nhìn rõ động cơ, ý định.

Một cách khác để học và lưu giữ những điều đặc biệt ở người khác trong tâm trí mình là nhìn vào động cơ, ý định thay vì phải hành động. Sẽ có lúc người khác mắc sai lầm, sẽ có lúc ta không chấp nhận cách làm của họ. Nếu ta cứ chăm chăm vào hạnh động của họ, ta sẽ thấy buồn phiền. Nhưng nếu ta nhìn ra được động cơ tốt đẹp sâu xa, tôi có thể giữ được cái nhìn yêu thương và chấp nhận. Điều này làm tôi giải quyết mọi bất đồng với sự tôn trọng.

Nghĩ như vậy có ngây ngô không? Không lẽ tôi chỉ nhìn vào điều tốt và rồi mù quáng với những tiêu cực ở người khác? Không hề! Khả năng nhìn ra điều đặc biệt nghĩa là tôi có thể nhận thấy cả tiêu cực lẫn tích cực, nhưng tôi cho qua điều tiêu cực. Sao tôi phải thêm vào điều tiêu cực làm gì? Hãy để tôi xử trí với những yếu kém từ người khác bằng lòng trắc ẩn, tình thương thay vì cáu giận và ghét bỏ.

Trên con đường phát triển bản thân, nghệ thuật lau Cửa sổ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Theo Charlie Hogg

Trung tâm InnerSpace tổng hợp

Hình ảnh 1 khóa học tại Inner Space.

workshop-nghe-thuat-tao-dung-moi-quan-he-tot-dep

hinh-anh-khoa-hoc-innerspace


Một số buổi tọa đàm với Diễn Giả Charlie Hogg

=>> SỨC MẠNH CỦA SỰ THA THỨ [13/12/2016]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét